Từ những báu vật của thiên nhiên ban tặng, qua bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân, đá quý đã được cấy ghép thành những bức tranh với vẻ đẹp lung linh, rực rỡ sắc màu để tô điểm thêm cho ngôi nhà của bạn. Tranh đá quý có độ bền lâu cùng thời gian với những sắc màu tự nhiên và không phai màu, không gây ô nhiễm và không độc hại cho sức khỏe con người.
Một góc phố cổ của Hà Nội xưa
Cách làm tranh đá quý qua 4 công đoạn chính:
Công đoạn khai thác nguyên liệu làm tranh
Các công ty sản xuất tranh đá quý lớn thường sử dụng những máy móc hiện đại để tham dò và khai thác đá quý. Còn những công ty nhỏ hơn thì chủ yếu dựa vào độ nhạy cảm của công nhân để có thể khai thác đá quý thủ công.
Thông thường, loại đá trắng có rất nhiều trên núi, chỉ việc "đánh về", kiếm cũng khá dễ vì có nhiều người lên núi khai thác rồi đưa về bán. Nhưng loại đá màu thì rất khó kiếm, cứ sáng tinh mơ, hàng trăm người dân lại lên rừng, lang thang dọc suối, nhặt từng viên đá lộ thiên. Nhặt mãi, đá cũng khan hiếm, họ phải đi sâu vào trong những hang động, dùng đèn pin soi, rồi lượm nhặt. Những loại đá quý như Sapphire, Ruby chính hiệu (to viên, trong suốt, màu chuẩn, không rạn) thì rất là khan hiếm và chủ yếu họ chỉ thu hoạch được đá màu trong đó có cả Ruby, Sapphire nhỏ hạt. Nhiều khi, để tìm được loại đá màu phù hợp (nhất là đá màu đen, đá xanh,...) cũng phải lang thang trên núi cả tháng trời.
Công đoạn chuẩn bị nguyên liệu
Khi đã khai thác được nguyên liệu, những viên đá sẽ được cắt, đẽo, gọt ra từng phần. Những phần này lại được xử lí theo nhiều cách thức khác nhau để làm nên một bức tranh đá quý hoàn hảo.
Sơ chế đá quý khi đã khai thác về
Cắt lát từng lát mỏng, to nhỏ khác nhau, thường dùng để tạo nên các chi tiết nguyên khối, như cánh hoa, lá cây trong tranh đá quý phong cảnh, mái nhà…
Những viên đá to bằng ngón tay út thì được dùng làm các khối đá tự nhiên trong bức tranh.
Phần còn lại cho vào cối sắt, được những người rắn tay dùng chày sắt giã liên tục.
Sàng lọc và phân loại đá: Đá thô sau khi được giã xong, được vét ra trải lên bàn, người thợ lại ngồi quanh, dùng kẹp gạn nhặt, phân loại từng loại đá màu với kích cỡ riêng. Phần còn lại được tiếp tục giã nát cho đến khi mịn như cát.
Công đoạn làm tranh đá quý
Cắt mica: Người nghệ nhân sẽ cắt một tấm mica trong suốt để làm khung, có độ dày từ 3-6mm, thông thường sẽ lớn hơn kích thước thật của bức tranh một chút.
Lót nền : Để có được bức tranh chắc chắn và đẹp, người nghệ nhân phải rắc một lớp đá trắng khoảng 1mm (bột cẩm thạch) khắp mặt nền của tranh để lấp chỗ trống, tạo độ cứng chắc, bền và sáng cho tranh.
Vẽ mẫu: Trước khi rắc tranh, dựa vào bức tranh mẫu, người nghệ nhân sẽ vẽ trên nền đá cẩm thạch bức tranh cần chế tác bằng phấn màu hoặc bằng chì.
Rắc đá và nhỏ keo: Dựa vào bức tranh mẫu, người nghệ nhân sẽ rắc đá và bột đá để tạo hình khối. Tùy chi tiết mà chọn màu thích hợp. Tùy độ đậm nhạt, hình khối mà rắc lượng đá màu, đá hạt hay đá bột, đá hạt to hay nhỏ, rắc thưa hay mau. Nếu không có màu sẵn thì phải phối hai ba màu kết hợp lại với nhau để tạo thành màu mới.
Sơ sót hay bị lỗi: Thông thường thì keo sẽ khô trong vòng khoảng 15 giây. Nếu như sơ sót hay bị lỗi khi rắc đá hoặc nhỏ keo, thì công sức của người nghệ nhân coi như đổ sông đổ bể. Đó là chưa kể thiệt hại về phần nguyên liệu.
Công đoạn xử lý sau chế tác
Bức tranh đá quý Tùng Cúc Trúc Mai sau khi đã hoàn thành
Sau khi người nghệ nhân hoàn thành bức tranh đá quý phong thủy thì sẽ phải chờ khoảng 2-3h để cho keo dính chắc chắn. Sau đó, người thợ kĩ thuật sẽ cắt tấm mica lại cho bằng kích thước thật. Tiếp theo là công đoạn chùi rửa và phủ lên bề mặt một lớp dầu bảo dưỡng.
Do những bức Tranh Đá Quý được chế tác hoàn toàn bằng thủ công, nên cả một triệu bức thì cũng không có bức nào giống bức nào. Ngay cả khi chính một người nghệ nhân chế tác cùng một loại tác phẩm, thì chúng cũng có sự khác biệt đôi chút.
Với những công đoạn phức tạp và tỉ mỉ như vậy, thông thường một nghệ nhân lành nghề phải mất khoảng 3 ngày để chế tác một bức tranh có kích thước 40x60cm. Nếu những tác phẩm phức tạp, có thể mất nhiều thời gian hơn.
Bản in